HCEET tiếp nhận Bộ đồ nghề giảng dạy thuộc Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam.

Đúng vào ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone, ngày 16/9, HCEET đã tiếp nhận Bộ đồ nghề giảng dạy từ Ban Quản lý Dự án "Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II" phục vụ đào tạo sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh và điều hòa không khí nhằm ngăn ngừa rò rỉ và sử dụng hiệu quả môi chất lạnh HCFC.


 

HCEET tiếp nhận Bộ đồ nghề giảng dạy từ Ban Quản lý Dự án "Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC

của Việt Nam giai đoạn II"

 

 

Lĩnh vực làm lạnh và điều hòa không khí đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Các lĩnh vực này có tầm quan trọng đối với người tiêu dùng nội địa, ngành du lịch và các ngành công nghiệp khác, bao gồm lĩnh vực chế biến thực phẩm.

 

Việc hỗ trợ nhằm ngăn ngừa rò rỉ và sử dụng hiệu quả môi chất lạnh HCFC cũng như huấn luyện về sử dụng các chất thay thế không làm suy giảm tầng ozone trong lĩnh vực dịch vụ bảo trì thiết bị lạnh là rất quan trọng, được các giảng viên Khoa Công nghệ Nhiệt lạnh của trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội rất quan tâm khi đào tạo các học viên ngành Máy lạnh & Điều hòa không khí.

 

Thông qua các giờ dạy, các giảng viên Khoa Công nghệ Nhiệt lạnh, trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội đã tích cực hưởng ứng Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone được tổ chức vào ngày 16/9 hằng năm nhằm tăng cường sự hiểu biết về Nghị định thư Montreal, nâng cao nhận thức và truyền tải các thông điệp về bảo vệ tầng ozone tới các cấp, các ngành, cộng đồng và toàn xã hội. Trong các buổi rèn luyện kỹ năng và các thao tác cho người học, các giảng viên Khoa Công nghệ Nhiệt lạnh đã hướng dẫn người học có kiến thức về các công nghệ làm lạnh bằng các chất thay thế và thực hành tốt hoạt động duy trì, bảo dưỡng thiết bị lạnh nhằm giảm thiểu việc rò rỉ HCFC-22 ở mức thấp nhất.

 

 

Trong các buổi rèn luyện kỹ năng và các thao tác cho người học, các giảng viên Khoa Công nghệ Nhiệt lạnh, HCEET

đã hướng dẫn người học có kiến thức về các công nghệ làm lạnh bằng các chất thay thế và thực hành tốt

hoạt động duy trì, bảo dưỡng thiết bị lạnh nhằm giảm thiểu việc rò rỉ HCFC-22 ở mức thấp nhất.

 

 

Tầng ozone nằm trong tầng bình lưu ở cách bề mặt Trái Đất 10-50 km, làm nhiệm vụ lọc ánh sáng tia cực tím có hại có thể gây ung thư và gây thiệt hại cho mùa màng. Nghị định thư Montreal 1987 cấm sản xuất chlorofluorocarbons (CFC) trong tủ lạnh, bình xịt hơi, máy điều hòa không khí và các tấm bọt cách nhiệt sau khi xác định CFC là tác nhân gây ra hiện tượng gọi là "lỗ hổng" tầng ozone.

 

Là một nước đang phát triển thuộc Điều 5 của Nghị định thư Montreal, Việt Nam có nghĩa vụ loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone (ODS) theo lộ trình được quy định, đồng thời được nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ từ Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư thông qua các tổ chức quốc tế được Quỹ Đa phương uỷ thác để thực hiện các hoạt động loại trừ các chất ODS.

 

Trong giai đoạn 2012 - 2017, Việt Nam đã phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới xây dựng và triển khai thành công Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC giai đoạn I ở Việt Nam (HPMP I) và đạt được những kết quả tốt theo các mục tiêu đề ra, đáp ứng đúng lộ trình của Nghị định thư Montreal, loại trừ 10% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC.

 

Với mục tiêu tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của quốc gia thành viên thi hành Nghị định thư Montreal, Việt Nam cùng với Ngân hàng Thế giới xây dựng Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II (Dự án HPMP II) với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC theo lộ trình Nghị định thư Montreal quy định, theo đó mức tiêu thụ các chất HCFC trong cho giai đoạn 2020 - 2024 cần đảm bảo không vượt quá mức 2.600 tấn/năm.

 

Dự án HPMP II được thiết kế thực hiện trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2023, với mục tiêu hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các doanh nghiệp sản xuất điều hòa không khí, sản xuất thiết bị lạnh, sản xuất xốp thực hiện chuyển đổi công nghệ nhằm loại trừ các chất HCFC.

 

Thực hiện kế hoạch của Dự án "Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II" (Dự án HPMP II) với mục tiêu góp phần loại trừ HCFC-22 và đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc với môi chất lạnh HFC-32 có tính cháy, được sử dụng thay thế cho HCFC-22 trong lĩnh vực dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh và điều hòa không khí, năm 2021, Ban Quản lý Dự án HPMP II đã phân phối đến các cơ sở dịch vụ và đào tạo sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh và điều hòa không khí, trong đó có HCEET.

 

 

Đúng vào ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone, ngày 16/9, HCEET đã tiếp nhận Bộ đồ nghề giảng dạy từ Ban Quản lý Dự án

"HPMP II" phục vụ đào tạo sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh và điều hòa không khí nhằm ngăn ngừa rò rỉ

và sử dụng hiệu quả môi chất lạnh HCFC.

 

 

Bộ đồ nghề giảng dạy mà HCEET được tiếp nhận từ Dự án HPMP II gồm máy điều hòa không khí Daikin, thiết bị đo dò ga (môi chất lạnh) CPS, đồng hồ đo áp suất Asada, thiết bị thu hồi môi chất lạnh Asada, bình chứa môi chất lạnh Asada, máy bơm chân không hai cấp Asada, bộ dụng cụ CPS bao gồm dao cắt ống, bộ loe ống và cờ lê lực sử dụng với môi chất lạnh HFC-32, cân môi chất lạnh CPS, bàn thao tác.

 

Thông qua mục tiêu của Dự án HPMP II, các giảng viên khoa Công nghệ Nhiệt lạnh của trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội thực hiện đào tạo các học viên ngành Máy lạnh & Điều hòa không khí có kiến thức và kỹ năng ngăn ngừa rò rỉ và sử dụng hiệu quả môi chất lạnh HCFC, các chất thay thế không làm suy giảm tầng ozone.

 

 

Minh Nguyệt


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu

Các thông tin khác: